Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

6 điều rút ra từ cuộc sống cách ly của một du học sinh Mỹ khi bị coi là "về nước ăn bám và lánh nạn"

Vừa qua, cộng đồng mạng đã có những phen bức xúc không tưởng đến từ bộ phận những  du học sinh về nước và đang chịu cách ly . Các du học sinh này đều cho rằng điều kiện mà khu cách ly cung cấp là hết sức tồi tàn, cũ kỹ hay thậm chí còn sử dụng từ ngữ khó nghe, gây phản cảm.

Tuy nhiên, đó không phải là toàn bộ những gì mà cư dân mạng Việt Nam chứng kiến từ các họ, vẫn có những chia sẻ, hành động từ cộng đồng những bạn đang du học quay trở về khiến nhiều người xúc động, 

Mới đây, trên Facebook cá nhân Trung.T.L. nghiên cứu sinh tiến sĩ tại California, Hoa Kỳ  đã đăng tải một đoạn trạng thái dài, chia sẻ về cuộc sống của một du học sinh ở nơi cách ly. Được biết, trước khi sang Mỹ du học, anh từng tham gia giảng dạy tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Anh đã về tới Việt Nam và tham gia cách ly tập trung ở Thanh Hóa đến nay đã là ngày thứ 9.  Anh cho rằng, những điều mà anh đang trải nghiệm trong những ngày qua khiến anh hồi tưởng về quá khứ tuổi thơ đầy niềm vui, và anh đang cảm thấy hạnh phúc trước những gì diễn ra xung quanh anh, nơi trại cách ly.

6 điều rút ra từ cuộc sống cách ly của một du học sinh Mỹ khi bị coi là về nước ăn bám và lánh nạn - Ảnh 1.

Trích lược đoạn chia sẻ của Trung.T.L:

" Mấy hôm nay đọc tin nhiều chiều về cuộc sống cách ly, người thì bảo khổ, người thì bảo thế là sướng rồi, người thì chửi du học sinh là thượng đẳng, du học sinh thì đòi người người phải hiểu mình. Mình thấy trong mọi khó khăn trải nghiệm, những câu chuyện thay vì những lời phán xét sẽ giúp ích được nhiều. Vì truyện thì xây dựng kết nối và lòng đồng cảm.

Ở trong trại cách ly cảm giác mình đương nhiên là lẫn lộn buồn vui. Hiện giờ thì là vui. Vì cuộc sống trong trại cách ly làm mình nhớ thời thơ ấu của mình. Sống trong trại, mình như đang sống lại cái thời trẻ thơ ở Hà Nội.

Hồi đó có trò đi tắm nhà tắm công cộng, bố mẹ mình thường dẫn mình đi, cả nhà tắm chung và gặp mọi người ở chỗ tắm.Với mình, mình chỉ nhớ mỗi việc là phải chào nhiều, chào hết bác này cô nọ, chú này ông kia. Mình cảm thấy như cả cái thế giới mình hồi ý, ai cũng là người trong gia đình. Cứ đi tắm là phải chào. Khái niệm về riêng tư với mình không tồn tại.

Ăn ở thời đó thì đúng là no và ấm hơn là ngon và đẹp. Món mình thích hồi đó là cơm trộn đường và cơm cháy chan nước mắm. Cả 2 đều rất ngon và thơm. Giờ mới biết ăn thế không đủ chất nhưng mà no và trôi được. Thế nên mình cũng như các anh bộ đội ở đây, lùn tịt và nhỏ bé. Nhưng là kiểu nhỏ bé tràn trề sức sống (Cô bé hạt tiêu nhỉ). Ở nhà thì 3, và sau khi có em gái, thì là 4 người trên 1 giường, đắp 1 chăn, chui trong 1 màn. Mọi sinh hoạt ăn ở học ngủ đều diễn ra trong 1 phòng. Riêng tư không tồn tại, nhưng không có lúc nào mình cô đơn hay xì tress mà nhà lại không biết cả. Đến cả khi mình khóc hồi lớp 11 thì lúc đó em mình cũng đang ở cùng phòng 



Quần áo thì vừa mốt vừa rẻ. Mẹ hay mua hàng si đa, tức là quần áo second-hand ở chợ trời. Hồi ấy mình không biết, nhưng hóa ra toàn cầu hóa ra phết. Hay nói cách khác, người "nghèo" chúng mình thời đó, là dân toàn cầu chính hiệu đấy: Mũ cao bồi Mỹ, quần Levi, áo H&M Thụy Điển, giày Đức, tay cầm đồ chơi Héc-man, tay kia đọc Đô rê mon. Ngồi trên cái xe máy simson của Đông Đức. Hôm nay trong trại, có 4G, có email, có facebook, cuộc sống vẫn luôn liên kết. Quá khứ, hiện tại, không vì Cô-Vi với Dương Tính mà làm mất ý nghĩa cuộc sống.



Ở đây với 23 người, trước lạ sau quen, làm mọi thứ cùng nhau, cùng trong hoàn cảnh bị chửi là "về nước ăn bám và lánh nạn," mọi người là những người mình có thể chia sẻ cảm xúc được. (Hóa ra phòng mình đa phần là đi lao động về, chứ không phải đi du học đâu, chỉ có 3 người du học thôi).



Các chú bộ đội và y bác sĩ ở đây có cái gì như bố mẹ mình hồi đó. Vừa xa cách, vừa mắng mỏ, nhưng lại đầy quan tâm và dịu dàng. Các bạn ở tây chắc vội vàng nghĩ tới Stockholm Syndrome mất.  Nhưng với mình, mình thấy hóa ra các chú bộ đội trong này rất là hiền lành và dễ mến. Họ ăn nói dịu dàng và biết làm trò cười nếu bạn mở lòng với họ trước.



Nghĩ đến họ, mình sống không thấy phải than phiền gì. Đây là cuộc sống của họ mà mình được sống, dù chỉ trong 14 ngày. Giường gỗ cứng, đau người khủng khiếp trong 5 ngày đầu. Chăn chỉ có 1 cái, mình phải chọn đắp hay là nằm lên làm đệm. Họ hàng ngày nhìn thấy cái kiểu Công chúa và hạt đậu của mình, mà họ chả tỏ ra ghét hay chửi gì. Cảm giác sống đời người khác mà không trọn vẹn có phần hơi bức bối. Ai cần gì vẫn đăng kí họ mua được. Mọi người ai cũng cảm thấy biết ơn và muốn trả ơn các chú bộ đội và y bác sĩ ở đây (phòng mình thấy bảo đóng góp nhiều lắm, không phải vì giàu, mà vì lòng biết ơn dẫn tới sự hào phóng vượt cái tôi).

 

6 điều rút ra từ cuộc sống cách ly của một du học sinh Mỹ khi bị coi là về nước ăn bám và lánh nạn - Ảnh 2.

Quang cảnh khu cách ly mà chàng nghiên cứu sinh đang ở

Mình thấy vui vì được sống lại cái thời của Ruồi trâu và Thép đã tôi thế đấy. Mình cũng ngạc nhiên là mình vẫn còn phần đó trong người. Hôm các chú bộ đội hỏi chuyển ra khách sạn, cả phòng mình ở lại, mình cũng ở lại. Vì sao ư? Mình ra khỏi phòng, nhìn ra cái sân rộng đầy cây cao cỏ xanh, ánh nắng, gió mát và bao nhiêu người trong trại, mình thấy hơi ngại cái cuộc sống trong 1 phòng khách sạn với vài ba người và không được đi hay nhìn ra cái gì. Mình về là vì vậy, đúng như mọi người nói, là trốn dịch. Nhưng dịch này là dịch Cô-Đơn. Vi là nhỏ, vie trong tiếng Pháp lại là cuộc sống. Cô-Vi, Cô-Đơn, buồn cười nhỉ?



Ở đây những cuộc sống xa lạ va vào nhau, câu chuyện "riêng tư" của anh giường bên, lời thủ thỉ tâm tình với vợ và con gái của anh giường dưới cứ thế mà xâm nhập vào lỗ tai mình. Cái mùi lao động, mùi thuốc, mùi người cứ thế xông thẳng vào mũi mình. Kiểm soát được không? Có lẽ không, nhưng có chọn hạnh phúc được không? Câu trả lời có.



Khi trở lại, hay khi ra khỏi trại, cuộc sống mình sẽ quay trở lại bình thường, tức là "văn minh" "sung sướng" "thoải mái tiện nghi" hơn. Vậy cuộc sống ngắn ngủi này dạy được mình cái gì?



- Sức sống của con người trong mọi hoàn cảnh khó mà dập được. Đời tị nạn, cách ly, rừng núi và đời "bình thường" đều có thể hạnh phúc được.



- Lối suy nghĩ cá nhân và phát triển khiến người ta quên đi sự cần thiết của liên kết tập thể. Mình không muốn nói thời giờ tốt hơn rồi, quá khứ đã qua đi, đừng bắt các em phải sống theo quá khứ các chú, cũng đừng bắt các chú phải thấu hiểu nhu cầu tiện nghi hiện đại của các em. Thay vì đó, mình muốn mọi người thấy: mọi cuộc sống khác biệt, chênh lệch như vậy vẫn đang diễn ra ngay tại thời điểm này, thời hiện đại này, khi mà có những em được đặc quyền, và có những "em" bộ đội phải sống cơ cực. 



- Hãy luôn so sánh, đặt mình vào vị trí người khác để hiểu cho họ, sống cuộc sống của họ, và hành động giúp đỡ họ. 



- Mình thấy mình có rất nhiều đặc quyền, ai đi du học thì cũng có đặc quyền, có cơ hội học, hay có điều kiện kinh tế. Không phải chỉ có thời mình mới phải vừa làm vừa học lúc nhỏ, mà giờ ở nhiều nơi vẫn có các em làm nhiều hơn học để giúp gia đình. Hơn ai hết, mình biết nhiều em du học sinh còn khó khăn, nhưng cái khó khăn tương đối đó nên được so sánh với những khó khăn ở những nơi như Nghệ An. Có em từng bảo mình, khó khăn không đi du học được, và khó khăn ở đây là bố mẹ chỉ đóng được cho em 300 triệu 1 năm tiền học thôi. Mình thường bảo các em như vậy là có nhà mà bán, có tiết kiệm mà tiêu, có khả năng kiếm tiền mà chi là đặc quyền rồi đấy. Mình bảo các em là phải biết ơn gia đình đã hi sinh cho các em. Đặc quyền được hi sinh, không phải ai cũng có.



- Mình đang nghĩ giàu là tội lỗi không? Đương nhiên là không. Mình cũng thấy được cái mặt tốt hạn chế của suy nghĩ "người giàu giúp người nghèo." Mình cũng không tin vào suy nghĩ đơn giản như ai cũng làm 40 giờ, sao lại có người kiếm nhiều hơn người khác. Những suy nghĩ như vậy đơn giản hóa và không giúp ích được gì. Mình quan tâm hơn đến việc hệ thống giáo dục, cơ sở hạ tầng, giáo dục tư dịch công chứng duy lối sống sao cho tăng điều kiện bình đẳng hơn đến mọi người.



- Cuộc sống trong trại, đặc quyền ở chỗ được nuôi ăn nên sinh nhiều thời gian rỗi hơn. Xem trong phim xưa của Trung Quốc mới thấy vì sao con trai nó học hành thành tài đỗ quan đỗ chức thì đều cưới vợ nấu cơm cho. Đi du học mà tự nấu ăn sẽ biết tốn thời gian thế nào. Những đặc quyền nho nhỏ vui vui đó, nếu để ý, sẽ thấy thành công đến từ những con người thầm lặng, những cử chỉ nhỏ nhặt không được nhiều người đánh giá cao. Nhờ đặc quyền đó, mình ngồi học, ngồi viết bài, và ngồi suy nghĩ được nhiều hơn. Và mình tự cảm thấy phải học, viết, nghĩ cho những người nuôi mình ăn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét